Cửu cung phi tinh được xác định dựa vào sự di chuyển của cửu tinh theo quỹ đạo của vòng Lường Thiên Xích. Nó đem lại nhiều tác dụng trong việc dự đoán hung cát phong thủy cũng như thời vận của con người.
Việc lập tinh bàn chính xác là rất quan trọng, vì nó liên quan trực tiếp đến tất cả các bước luận đoán tiếp theo. Dưới đây là cách tính Cửu cung phi tinh chính xác nhất theo năm, tháng, ngày, giờ và cách tính Mệnh phi tinh theo tuổi.
1. Cách tính Cửu cung phi tinh theo năm (niên bàn)
Khẩu quyết:
Niên bạch Tam Nguyên, các bất đồng
Thượng Nguyên Giáp Tý khởi Khảm cung.
Trung Nguyên Tứ Lục, cung trung khởi
Hạ Nguyên Thất Xích nghịch hành cung.
Giải thích nghĩa:
- Thượng Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Nhất Bạch ở Trung Cung rồi phi thuận theo đường Lường Thiên Xích.
- Trung Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Tứ Lục ở Trung Cung rồi phi thuận theo đường Lường Thiên Xích.
- Hạ Nguyên năm Giáp Tý thì khởi Thất Xích ở Trung Cung rồi phi thuận theo đường Lường Thiên Xích.
Lưu ý: Mỗi một Giáp Tý thì Cửu tinh đều đi nghịch theo năm, nhưng khi nhập Trung Cung thì phi thuận theo Lường Thiên Xích (như ảnh).
Chẳng hạn:
Hạ Nguyên năm Giáp Tý khởi Thất Xích ở Trung Cung thì năm Ất Sửu sẽ khởi Lục Bạch ở Trung Cung, đến năm Bính Dần sẽ là Tứ Lục ở Trung Cung … cứ theo thứ tự giảm dần (đi nghịch) mà tính tiếp.
Tuy nhiên, cách dễ nhớ nhất là tính ngược theo năm. Cụ thể:
- Thượng Nguyên có Giáp Tý là Nhất thì Giáp Tuất là Cửu, Giáp Thân là Bát, Giáp Ngọ là Thất, Giáp Thìn là Lục, Giáp Dần là Ngũ…
- Trung Nguyên có Giáp Tý là Tứ thì Giáp Tuất là Tam, Giáp Thân là Nhị, Giáp Ngọ là Nhất, Giáp Thìn là Cửu, Giáp Dần là Bát.
- Hạ Nguyên có Giáp Tý là Thất thì Giáp Tuất là Lục, Giáp Thân là Ngũ, Giáp Ngọ là Tứ, Giáp Thìn là Tam, Giáp Dần là Nhị.
Ví dụ 1: Tính Cửu cung phi tinh cho năm 2023.
Theo nguyên tắc ở trên, ta có:
Năm Quý Mão 2023 thuộc Hạ Nguyên, mà Hạ Nguyên có Giáp Tý 1984 khởi Thất Xích tại Trung Cung, đến năm 2023 là 39 năm.
Ta lấy (39+1)/10 = 4 không dư. Vậy năm 2023 khởi Tứ Lục ở Trung Cung.
Ta được bảng Cửu cung phi tinh như sau:
Ví dụ 2: Tính Cửu cung phi tinh cho năm 2031.
Năm 2031 thuộc Hạ Nguyên, mà Hạ Nguyên có Giáp Tý 1984 khởi Thất Xích tại Trung Cung, đến năm 2030 là 47 năm.
Ta lấy (47+1)/10 = 4 dư 8. Lấy 8-7 = 1
Do phi tinh giảm dần (đi nghịch), vậy năm 2031 là: 7-1=6. Vậy năm 2031 khởi Lục Bạch ở Trung Cung.
2. Cách tính Cửu cung phi tinh theo tháng (nguyệt bàn)
Khẩu quyết:
Tý, Ngọ, Mão, Dậu Bát Bạch cung
Thìn, Tuất, Sửu, Mùi Ngũ Hoàng trung
Dần, Thân, Tị, Hợi cư hà vị
Nghịch tầm Nhị Hắc thị kỳ trung.
Dịch nghĩa:
- Năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì tháng giêng khởi Bát Bạch.
- Năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì khởi Ngũ Hoàng.
- Năm Dần, Thân, Tị, Hợi thì khởi Nhị Hắc.
Lưu ý: Tất cả phi tinh đều là nghịch hành theo các tháng, nhưng khi phi tinh nhập Trung Cung thì lại phi thuận theo Lường Thiên Xích.
Ví dụ 3:
Cách tính phi tinh theo tháng khá đơn giản, năm 2022 là năm Sửu, vậy tháng Giêng khởi Ngũ Hoàng, tháng 2 âm lịch khởi Tứ Lục, tháng 3 âm lịch khởi Tam Bích…
3. Cách tính Cửu cung phi tinh theo ngày (nhật bàn)
Câu quyết:
Đông Chí Nhất Bạch, Vũ Thuỷ Xích
Cốc Vũ nguyên tòng Tứ Lục cầu
Hạ Chí Cửu Tử, Xử Thử Bích
Sương Giáng tiên tòng Lục Bạch du
Dương tu thuận khứ, Âm hoàn nghịch
Đãn cầu Lục Giáp vĩnh vô hưu
Nhược phùng Tử, Bạch phương vi Cát
Hoạt pháp tu dương, tử tế sưu.
Giải nghĩa:
- Những ngày bắt đầu từ sau tiết Đông Chí thì lấy Giáp Tý khởi Nhất Bạch.
- Những ngày từ sau tiết Vũ Thuỷ thì lấy Giáp Tý khởi Thất Xích.
- Những ngày sau tiết Cốc Vũ thì lấy Giáp Tý khởi Tứ Lục.
- Những ngày sau tiết Hạ Chí thì lấy Giáp Tý khởi Cửu Tử.
- Những ngày sau tiết Xử Thử thì lấy Giáp Tý khởi Tam Bích.
- Những ngày sau tiết Sương Giáng thì lấy Giáp Tý khởi Lục Bạch.
Trong đó:
- Các tiết Đông Chí, Vũ Thuỷ, Cốc Vũ là thuộc Dương, phi tinh đi thuận ngày, và khi phi tinh nhập Trung Cung thì phi thuận theo Lường Thiên Xích.
- Các tiết Hạ Chí, Xử Thử, Sương Giáng thuộc Âm, phi tinh đi nghịch ngày và khi phi tinh nhập Trung Cung thì phi thuận theo Lường Thiên Xích.
Lưu ý: Đừng lầm tưởng cứ ngày Giáp Tý sau Đông Chí đều là Nhất Bạch. Thực chất, chỉ khởi ngày Giáp Tý mới là Nhất Bạch mà thôi.
Trên thực tế không phải khi nào khởi ngày của 1 tiết cũng là Giáp Tý. Nếu trong trường hợp khởi ngày là ngày khác thì tính thế nào?
Ví dụ 4: Ngày khởi tiết Đông Chí là ngày Bính Tuất.
Trước tiên, ta cứ khởi Giáp Tý là Nhất Bạch, do Đông Chí thuộc Dương nên phi tinh đi thuận ngày, sau khi nhập Trung Cung thì phi thuận theo Lường Thiên Xích.
Ta có Giáp Tý là Nhất, Ất Sửu là Nhị, Bính Dần là Tam… Giáp Thân là Tam, Ất Dậu là Tứ, Bính Tuất là Ngũ.
Vậy ngày ngày Bính Tuất có Ngũ Hoàng nhập Trung Cung.
4. Cách tính Cửu cung phi tinh theo giờ (thời bàn)
Câu quyết:
Tam Nguyên thời bạch, nhật tương đồng
Dương thuận, Âm nghịch nhập trung cung
Đông Chí Nhất, Tứ, Thất dương kỳ
Hạ Chí Cửu, Lục, Tam thị tông.
Nghĩa là:
- Từ sau tiết Đông Chí đến trước tiết Hạ Chí thì cho Nhất Bạch, Tứ Lục hoặc Thất Xích nhập Trung Cung.
- Từ sau tiết Hạ Chí đến trước tiết Đông Chí thì cho Cửu Tử, Lục Bạch hoặc Tam Bích nhập Trung Cung.
Tuy nhiên, khi lập thời bàn thì sau tiết Đông Chí khi nào dùng Nhất, khi nào dùng Tứ và khi nào dùng Thất? Sau tiết Hạ chí khi nào dùng Cửu, khi nào dùng Lục, khi nào dùng Tam để nhập trung cung?
Người ta phân chia như sau:
- Các ngày Tý, Ngọ, Mão, Dậu là nhóm thứ nhất, tương ứng với sao thứ nhất (Đông Chí cho Nhất và Hạ Chí cho Cửu nhập Trung Cung).
- Các ngày Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là nhóm thứ hai, tương ứng với sao thứ hai (Đông Chí cho Tứ và Hạ Chí cho Lục nhập Trung Cung).
- Các ngày Dần, Thân, Tị, Hợi là nhóm thứ ba, tương ứng với sao thứ ba (Đông Chí cho Thất và Hạ Chí cho Tam nhập Trung Cung).
Lưu ý: Khởi phi tinh theo giờ cũng giống như khởi phi tinh theo ngày, Dương (tiết Đông Chí) thì đi thuận, Âm (tiết Hạ Chí) thì đi nghịch và khi cho phi tinh nhập Trung Cung thì đều phi thuận theo Lường Thiên xích.
Ví dụ 5: Giờ Mão của ngày Thìn sau tiết Đông Chí, trước tiết Hạ Chí.
Ta thấy ngày Thìn trong nhóm thứ hai, vậy ta cho sao thứ hai trong tiết Đông Chí là Tứ nhập trung cung.
Như vậy, giờ Tý của ngày Thìn là sao Tứ Lục nhập Trung Cung. Theo nguyên tắc Đông Chí thuộc Dương, phi tinh đi thuận thì giờ Sửu là sao Ngũ Hoàng, giờ Dần là sao Lục Bạch, giờ Mão sẽ là Thất Xích.
Ví dụ 6: Giờ Thìn ngày Tý sau tiết Hạ Chí và trước tiết Đông Chí.
Ta thấy Tý trong nhóm thứ nhất, nên tương ứng với sao thứ nhất của tiết Hạ Chí là Cửu Tử.
Vậy giờ Tý ngày hôm đó là sao Cửu Tử nhập Trung Cung. Theo nguyên tắc Hạ Chí thuộc Âm, phi tinh đi nghịch thì giờ Sửu là sao Bát Bạch, giờ Dần là Thất Xích, giờ Mão là sao Lục Bạch, giờ Thìn là sao Ngũ Hoàng.
5. Cách xác định Mệnh theo cửu tinh
Với những người sinh từ năm 1900 đến 1999:
Bước 1: Xác định năm sinh theo âm lịch.
Bước 2: Cộng 2 số cuối của năm sinh lại với nhau rồi giản ước tới số có một chữ số.
Bước 3:
- Đối với nam giới: Lấy 10 trừ đi số vừa tìm được.
- Đối với nữ: Lấy 5 cộng với số vừa tìm được.
Kết quả chính là Mệnh phi tinh cần tìm.
Lưu ý: Kết quả luôn nằm trong phạm vi từ 1 đến 9. Những số >9 thì phải giản ước tới số có 1 chữ số.
Chẳng hạn, kết quả = 11, ta lấy tiếp 1+1 =2. Ghi nhận kết quả cuối cùng và chính xác là 2, mệnh Nhị Hắc.
Kết quả tìm được = 1, mệnh Nhất Bạch. Kết quả = 2, mệnh Nhị Hắc. Kết quả = 3, mệnh Tam Bích. Kết quả = 4, mệnh Tứ Lục. Kết quả = 5, mệnh Ngũ Hoàng. Kết quả = 6, mệnh Lục Bạch. Kết quả = 7, mệnh Thất Xích. Kết quả = 8, mệnh Bát Bạch. Kết quả = 9 (hay chia hết cho 9), mệnh Cửu Tử.
Ví dụ 7: Tính cung Mệnh phi tinh cho nam giới và nữ giới sinh năm 1987 (theo âm lịch):
- Nam giới:
Lấy 8+7 = 15 = 1+5 = 6.
Lấy 10 – 6 = 4 => Mệnh Tứ Lục.
- Nữ giới:
Lấy 8+7 = 15 = 1+5 = 6.
Lấy 5+6 = 11 = 1+1 = 2 => Mệnh Nhị Hắc.
* Với những người sinh từ năm 2000 trở đi
Bước 1 và 2 thực hiện như trên, riêng bước 3 thực hiện như sau:
- Nam: Lấy 9 trừ đi số vừa tìm được.
- Nữ: Lấy 6 cộng với số vừa tìm được.
Ví dụ 8: Tính cung Mệnh phi tinh cho nam giới và nữ giới sinh năm 2001 (theo âm lịch):
- Nam giới:
Lấy 0+1 = 1.
Lấy 9 – 1 = 8 => Mệnh Bát Bạch.
- Nữ giới:
Lấy 0+1 = 1.
Lấy 6+1 = 7 => Mệnh Thất Xích.
Boiviet.net